TÂM SỰ PHỤ HUYNH CÓ CON TỰ KỶ

Được viết ngày 18 Tháng 12 2013

TÂM SỰ PHỤ HUYNH CÓ CON TỰ KỶ

Tác giả: Trần Thị Hoà

(Phụ huynh lớp Gấu 1)

Bất kỳ một phụ nữ nào khi mang thai được hỏi chị mong ước điều gì ở đứa con của mình, tôi tin chắc rằng ai cũng trả lời muốn con chào đời được khỏe mạnh, được lành lặn không bị khuyết tật gì và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi và ông xã đến với nhau quá muộn, tôi ở tuổi 40 còn anh ở tuổi 56. Khi có bầu bé tôi đang theo lớp học trung cấp chính trị, mọi người còn chọc đùa sau này bé trở thành nhà chính trị lỗi lạc. Có lẽ do công việc quá nhiều, công với cuộc sống mưu sinh tôi sinh bé chưa đầy 32 tuần, bé cân nặng chỉ 2kg, nằm trong lồng kính 1 tuần tôi đưa bé về nhà chăm sóc, bé lớn lên bình thường như bao trẻ khác, 4 tháng biết lật rồi bò, 11 tháng biết đi, chỉ duy nhất một điều bé không nói. Bé dễ đến nỗi mà mỗi lần tôi đi cộng tác xa, bé chẳng biết nhớ mẹ là gì, hai ba ngày không gặp khi về nhà gặp mặt bé chẳng mừng hay giận dỗi, không khóc nhè, bỏ đồ chơi, hoặc tờ giấy bé ngồi chơi cả buổi không biết chán. Tôi tự hỏi sao con mình dễ quá vậy, con người khác mẹ đi vắng một chút là con đã khóc đòi mẹ rồi!. Bạn bè nói với tôi con trai chậm biết nói hơn con gái và tôi cũng tin là như thế. Khi tôi làm sinh nhật cho bé tròn 2 tuổi, bé vẫn không nói, gia đình cho bé đi học nhà trẻ Họa Mi, nhưng do bé lăng xăng, bé không chịu ngồi yên một chổ mà chạy lung tung trong lớp vì vậy mà bé hay bị cô giáo đánh, học được 3 ngày bé không chịu đi học nữa, thương con ba cho bé ở nhà với ba, nhưng rồi ngày lại qua ngày bé vẫn không nói lúc đó gia đình quyết định đưa bé đi khám ở bệnh viện Nhi đồng 1. Sau khi khám tai, đo thính lực kết quả bình thường, họ chuyển bé sang phòng khám nội thần kinh, rồi chuyển bé xuống phòng tập vật lý trị liệu. Ở đây KTV Hà Xem khám với chẩn đoán là chậm nói/rối loạn phát triển, tăng động giảm chú ‎ý và hướng dẫn cho gia đình cách điều trị cho bé

1. Chơi trò chơi cảm giác mạnh

2. Dạy cho bé học

3. Kể chuyện

4. Đi học (hội nhập xã hội)

Sau khi đi khám về hai vợ chồng thật sự hoang mang, lo lắng. Tôi chưa hình dung được căn bệnh tự kỷ là gì. Tôi lên Google tìm tài liệu về hội chứng tự kỷ. Thật sự bước đầu khi đọc những bài viết của Cô Nga có đứa con bị bệnh tự kỷ và hành trình cô đi tìm phương pháp điều trị cho con trai tôi thật sự rơi vào trạng thái hụt hẫng, những điều cô ấy viết đối chiếu với con mình có cái có, có cái không. Đi tìm nguyên nhân gây ra căn bệnh này, mặc dù chưa có một ý kiến nào là chắn chắn:

- Trẻ sinh non (con tôi sinh ra chưa đầy 32 tuần)

- Cha mẹ lớn tuổi (hai vợ chồng đều lớn tuổi)

- Lối xóm không có trẻ em (xóm tôi ở con cái đều trưởng thành)

- Cho trẻ xem tivi nhiều (mẹ đi làm, ba lo công việc nên thường cho con ngồi trước màn hình, và những lúc cho bé ăn thường mở quảng cáo dụ bé ăn)

- Mẹ đi làm và đi học khi bé mới 2 tháng tuổi

Nhìn những nguyên nhân gây ra bệnh hầu như gia đình tôi đều rơi vào cả, thậm chí có người còn ác miệng cho rằng tôi quá ham mê công việc nên hậu quả con tôi mới như vậy?

Mặc dù rất đau lòng, nhưng hai vợ chồng quyết tâm điều trị cho cháu, mỗi buổi chiều sau khi đi làm về, tôi cùng chồng đưa cháu đến trường mẫu giáo Sơn ca với mục đích cho cháu hòa nhập. Khi cháu chơi trò chơi nào mà có một bạn nào đó đến cùng chơi thì bé lại bỏ đi nơi khác, cháu chỉ chơi một mình và không quan tâm đến mọi người xung quanh, tối hai vợ chồng lại đưa cháu vào công viên để cháu chơi những trò chơi cảm giác mạnh (cầu tuột). Khi cô Xem yêu cầu cho cháu đi học thì lúc đó đã giữa học kỳ nên việc xin đi học gặp nhiều khó khăn, tôi nhờ người quen xin cho cháu học dự thính. Nói về đi học thật là một quãng đường khó khăn, hai cha con cùng đi học, bé phá hất đồ đạc của lớp học thì ba đi dọn, bé xé các hình dạy của cô giáo thì ba đi dán, đến giờ tập thể dục ba cố gắng đưa con vào xếp hàng cùng với các bạn, nhưng khi tiếng nhạc nổi lên thì bé bịt tai rồi bỏ chạy, ngày lại ngày qua ba cứ kiên trì gần 6 tháng trời như vậy cô hiệu trưởng mới nhận cháu vào học. Hai năm học nhà trẻ cháu vẫn không tiến bộ, mặc dù cháu có hòa nhập được với các bạn, nhưng vần đề ngôn ngữ vẫn không tiến triển và một lần đi rước cháu nhìn cháu cứ lững thững một mình leo cầu thang lên xuống, trong khi các bạn khác ngồi trong lớp học hành chăm chỉ. Nhìn con mà ruột gan xót xa, nếu tình trạng này cứ lập đi lập lại, rồi cuộc đời con mình sẽ ra sao? Sau nhiều đêm suy nghĩ hai vợ chồng quyết định đưa cháu lên thành phố tìm trường điều trị.

Tin tức tìm một trường dạy cho bé thật mông lung, đầu tiên ba đứa bé đến một trường của nữ tu dạy, nhưng các Sơ thấy cháu quậy và phá nên không nhận mà chỉ nhận dạy theo giờ. Cô còn nói những đứa trẻ như vậy chỉ mong cho nó tự lo cho bản thân là tốt rồi đừng mong cho cháu đi học được như bao đứa trẻ khác, Khi nghe ba gọi điện thoại về báo tôi thật sự hoang mang, lo sợ, chẳng lẽ không còn con đường nào để cứu bé hay sao? May sao ông xã chợt nhớ tới cô Xem, anh đã gọi điện cho cô và được cô giới thiệu đến trường chuyên biệt Khai Trí. Anh chợt nhớ ra có lần anh đã đọc tờ báo Thanh niên có một Bác sỹ có con bị tự kỷ, đã mở trường vừa điều trị cho con vừa giúp cho các gia đình có con bị bệnh tự kỷ như con mình có nơi để học và sinh hoạt. Thật sự khi đưa cháu vào đây, trong lòng hai vợ chồng chỉ mong ước sao cho cháu nói được để khi bé bị đau bụng thì kêu mẹ ơi con đau bụng quá để mà lo con con. Mong ước thật nhỏ nhoi phải không các bạn, nhưng để thực hiện được điều đó cả gia đình và cháu phải nỗ lực rất nhiều.

Ngày đầu tiên ba đưa cháu đến trường Khai Trí, cháu không chịu vào lớp học mà bắt ba dẫn đi ngoài đường, mỗi lần ba vừa dẫn tới cổng trường là cháu khóc, la hét, nằm vạ xuống đất. Anh gọi điện thoại cho tôi với giọng buồn nói rằng con không chịu vào lớp học giờ làm sao đây em. Tôi chỉ biết động viên khuyên anh nhẫn nại, cố gắng tất cả chỉ vì tương lai của con, một ngày mẹ gọi điện thoại 2 – 3 lần xem tình hình con như thế nào, nghe anh trả lời hai cha con đang lững thững đi ngoài đường đây, mệt thì ngồi hàng ghế chờ xe buýt hoặc mái hiên nhà ở dọc đường. Một tuần trôi qua cháu mới làm quen được khung cảnh nhà trường và chấp nhận vào lớp học. Niềm vui lan tỏa trong lòng khi anh báo với tôi bé đã vào lớp học rồi, em an tâm đi! Mặc dù tôi biết rằng khi cháu vào lớp bước đầu các cô phải tốn nhiều công sức với cháu.

Không biết dùng từ nào để diễn tả được niềm vui khi ước mơ đã thành sự thật, một ngày anh gọi điện báo con trai mình đã nói được rồi em ơi. Ban đầu tôi không tin, tưởng anh nói giỡn để làm cho tôi vui thôi! nhưng anh đã đưa điện thoại cho cháu và nói chiều nay cô giáo dạy con nói gì, cháu liền nói "Chào cô, con về", những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má, mặc dù tiếng gọi đầu tiên không phải là ba, bà, mẹ mà là lời chào cô giáo sau mỗi buổi tan trường.

Từng ngày, từng ngày sự tiến bộ của cháu càng thấy rõ, mà chính bản thân tôi cũng không ngờ tới. Cháu giờ đã giao tiếp với mọi người, biết san sẻ tình thương, biết lo lắng cho cho mọi người xung quanh. Cảm động biết bao khi mỗi tối cháu gọi điện về hỏi thăm "me Hoa ăn cơm chưa", "me Hoa sao vậy, trời ơi, mẹ Hoa ho, me Hoa uống thuốc chưa", "mẹ Hoa đi làm kiếm tiền nuôi Quang Khánh", có lần ba bị bệnh , cháu gọi điện về báo cho mẹ biết "ba Dũng bị bệnh rồi, Ba Dũng ói, Ba Dũng không ăn cơm,...." . Hằng ngày anh theo dõi từng cử chỉ, từng hành vi của con trai, khi thấy vấn đề gì xuất hiện lạ ở con trai, anh đều tâm sự với BS Mẫm để tìm phương pháp điều trị cho con. Tôi khâm phục anh rất nhiều

Khi nghe Nhà trường báo cháu có thể rời trường để về hòa nhập với xã hội rồi, tôi mừng nhưng lại mang một nỗi niềm lo khác. Không biết ở môi trường mới cháu có thích nghi hay không? cháu có theo kịp các bạn cùng trang lứa hay không?, có được những người thầy, người cô hiểu biết về căn bệnh này hay không?

Cháu có được như ngày hôm nay là nhờ đội ngũ giáo viên đầy nhiệt tình, tâm huyết có lòng vị tha yêu nghề, yêu trẻ và nhất là cái tâm biết thông cảm, chia sẻ với những trẻ em khiếm khuyết. Tôi xin chân thành tri ân những tấm lòng của các cô, nhất là BS Mẫm người có nhiều nhiệt huyết, quyết tâm tìm ra nhiều hướng đi giúp cho các trẻ sớm hòa nhập cộng đồng.

Một lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ có con rơi vào căn bệnh này xin đừng tự ti, mặc cảm, đừng cảm thấy mình có lỗi, mà hãy nhìn nhận nó, tìm hiểu nó, phải kiên trì, bền bỉ, nhẫn nhịn nhưng phải kiên quyết. Hãy đưa cháu đến trừơng và cùng với thầy cô từng bước, từng bước đưa con mình vượt qua những rối loạn và hòa nhập với cộng đồng ./.

Thống kê truy cập

2116648
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tháng này
Tất cả
219
565
3123
1890
2116648

Hôm nay: 2024-05-03 15:36:40

Khách truy cập

Đang có 3 khách và không thành viên đang online

Các đơn vị tài trợ và liên kết website cộng đồng

1 2 3 cong_dong facebook1 facebook2