TỰ KỶ VÀ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý.

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Vân Thanh
Khoa Khám trẻ em, Bệnh viện Tâm thần tpHCM
Giảng viên khoa GDĐB, trường Cao Đẳng SP trung ương,tp.HCM.

 Một số bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám ở chỗ chúng tôi nói rằng họ đang cho con họ theo học ở một lớp dành cho trẻ tự kỷ.Khi tôi hỏi “Tại sao chị nghĩ con chị bị tự kỷ”? Phụ huynh này trả lời “Tôi đọc trên báo và so sánh với cháu, thấy cháu có rất nhiều biểu hiện của tự kỷ như: không nhìn mắt, chậm nói, có những hành vi kỳ dị, bất thường v.v. nên nghĩ cháu bị tự kỷ”

Thực tế thì những biểu hiện riêng lẻ đó có ở một số tình trạng khác chứ không chỉ ở tự kỷ. Đó là rối loạn tăng động giảm chú ý và chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, trong bài này, tôi chỉ đề cập đến tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý.    
 
Bài viết có liên quan >> NGUYÊN NHÂN CỦA ADHD.
                                                 >> HIỂU BIẾT MỚI VỀ ADHD.

Biểu hiện đầu tiên mà những người mới vào nghề hoặc không làm về lâm sàng thường thường nhầm lẫn, đó là: trẻ “không nhìn vào mắt người đối thoại”.
Có nhiều lý do khiến khi giao tiếp trẻ không nhìn vào mắt người đối thoại. Trẻ bình thường không nhìn vào mắt người lạ vì trẻ ít tiếp xúc với các quan hệ xã hội và thấy xấu hổ khi nhìn vào mắt người lạ. Trên thực tế, trẻ vẫn nhìn vào mắt người nhà hoặc người quen.   

Nếu không có kinh nghiệm, người khám có thể nhầm lẫn là triệu chứng bệnh lý. Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý không nhìn vào mắt người đối thoại vì trẻ không chú ý vào lời nói của người đối thoại. Trẻ đang mải chú ý đến những tác động khác ở xung quanh hấp dẫn hơn.

Trên thực tế, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn nhìn vào mắt người đối thoại nếu giao tiếp với người này hấp dẫn và làm trẻ chú ý. Tuy nhiên, những người mới vào nghề hoặc không có kinh nghiệm khai thác triệu chứng có thể bỏ qua chi tiết này.

 Trẻ tự kỷ thì giảm rõ rệt việc sử dụng hành vi phi ngôn ngữ (không chỉ có ánh mắt, mà còn là cử chỉ và điệu bộ) để điều hòa các mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, việc giảm sử dụng ánh mắt trong giao tiếp không chỉ ở một mối quan hệ hay một bối cảnh, mà là tất các các bối cảnh và mối quan hệ xã hội mà trẻ đang gia nhập.

 Trẻ em học ngôn ngữ chủ yếu qua nghe người lớn nói và bắt chước theo. Trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có thể chậm nói, hoặc nói/phát âm không rõ tiếng. Nhưng chậm nói của trẻ này chủ yếu là do trẻ không chú ý được đầy đủ vào lời nói của những người đối thoại nên không bắt chước được lời nói hoặc bắt chước không đầy đủ do vậy dẫn đến không học được lời nói của mọi người và kết quả là chậm biết nói hoặc nói không rõ ràng.

 Trong lúc đó, trẻ tự kỷ chậm hoặc hoàn toàn không phát triển kỹ năng nói chủ yếu là do trẻ mất hoặc quá ít nhu cầu giao tiếp với người khác (trong đó có cả những người lớn mà đáng lẽ trẻ phải giao tiếp để học ngôn ngữ).

 Trong giao tiếp, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý “dường như không nghe thấy những gì mà người khác nói với nó” dẫn đến việc: đôi khi trẻ không nghe tiếng ta gọi, ta nói hay đề nghị trẻ làm một việc gì đó. Tuy nhiên, đặc điểm này chủ yếu là do trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý đang mải xao lãng với một kích thích mới lạ khác, chứ không phải là lời nói của người lớn lúc đó. Ngược lại, trẻ tự kỷ dường như không nghe thấy người lớn nói chuyện với nó chủ yếu là do trẻ mất hoặc quá ít nhu cầu giao tiếp xã hội với người khác.

Tương tự như vậy, trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý không tạo được mối quan hệ bạn bè phù hợp với trình độ phát triển của trẻ chủ yếu là do: sự giảm chú ý của trẻ đến các quy tắc chơi trong các trò chơi với bạn cùng lứa dẫn đến việc trẻ phá vỡ các quy tắc của trò chơi và làm bạn bè cùng lứa không ưa thích, sau cùng là không tạo được quan hệ bạn bè.

Như vậy, nhu cầu giao tiếp, nhu cầu có bạn của trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý là vẫn hiện diện. Trong lúc, trẻ tự kỷ không có mối quan hệ bạn bè phù hợp chủ yếu là do sự giảm thiểu quá thái nhu cầu giao tiếp xã hội và nhu cầu có bạn bè hoặc các quan hệ xã hội khác.

Những sự tinh tế như vậy trong lâm sàng đòi hỏi chúng ta phải hết sức thận trọng. Bởi lẽ, mỗi tình trạng lại có cách can thiệp lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, trẻ tự kỷ, đặc biệt là trẻ tự kỷ có kèm theo chậm phát triển trí tuệ cần một sự dạy dỗ kiên trì vì nhận thức của trẻ rất chậm. Trong lúc đó, đa phần trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý thì nhận thức khá nhanh, thậm chí có chỉ số IQ khá cao, nhưng cần có biện pháp để trẻ tập trung chú ý.

Ở nước ngoài chỉ có những người làm chuyên khoa được phép đưa ra chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý hay tự kỷ.

Đặc biệt, để đưa ra một chẩn đoán tự kỷ, trẻ phải được nhập viện. Các quan sát theo dõi phải được tiến hành trong khoảng sáu tháng trước khi có một chẩn đoán tự kỷ. Điều này nói lên rằng, một chẩn đoán tự kỷ hay rối loạn tăng động giảm chú ý là một chẩn đoán rất khó và cần được làm một cách hết sức cẩn thận.

Một chẩn đoán được đưa ra, giống như một cái “mác”, cái “nhãn” dán cho trẻ, có thể kéo theo những ứng xử của cả cha mẹ và thầy cô giáo với trẻ khác đi. Nếu một chẩn đoán sai, kéo theo hệ lụy các quan hệ bị thay đổi có thể làm nhân cách của trẻ phát triển theo một hướng khác, không có lợi cho trẻ.

Như vậy, điều quan trọng là cần cẩn trọng khi chẩn đoán và các bậc phụ huynh nhất thiết không được tự ý chẩn đoán mà phải đem đến các nhà chuyên môn để làm chẩn đoán cho trẻ.

*Bài viết được gửi đến từ chính tác giả.

Thống kê truy cập

2123028
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tháng này
Tất cả
376
514
2955
8270
2123028

Hôm nay: 2024-05-18 23:52:45

Khách truy cập

Đang có 6 khách và không thành viên đang online

Các đơn vị tài trợ và liên kết website cộng đồng

1 2 3 cong_dong facebook1 facebook2